Vượt bản thân là việc khá gian khổ. Thi lần đầu được chín điểm, lần này lại muốn được mười; vận động viên lần này đạt được mười giây, lần sau lại muốn chạy được chín giây chín; kỳ thủ năm nay đạt được danh hiệu “Kiện tướng”, năm sau lại muốn đạt được danh hiệu “Ðại kiện tướng”… Vấn đề là HS đã đạt được mười điểm, vận động viên đã đạt được cực hạn của năng lực cơ thể con người, kỳ thủ sau khi đã đạt được danh hiệu tối cao thì việc kế tiếp cần làm là gì?
Vì trên mười điểm vẫn là mười điểm, dưới chín giây chín thì vẫn có thể là chín giây chín… Những người đã đứng ở đỉnh cao đó, không có đỉnh cao hơn để họ leo lên, ngoại trừ họ muốn ở lại đỉnh núi, còn không thì họ phải đi xuống. Hơn nữa, chúng ta cơ hồ có thể khẳng định: họ tất nhiên phải xuống vì lớp sóng sau đẩy lớp sóng trước, không ai có thể trẻ mãi, không ai có thể chiếm hữu mãi tri thức mới nhất, không ai có thể giành thành công mãi.
Vì vậy mà mọi người nói: ” Danh dự, thành tựu đều là gánh nặng khiến con đường sau đó càng khó đi hơn “.
Vì vậy mà mọi người nói: ” Trèo cao, ngã đau “.
Khi nhà vô địch quyền Anh bị đánh bại thì có người nói: ” Anh ta quá thành công nên quá tự đại, dẫn đến thất bại “…
Thành tích quá khứ của bản thân sẽ trở nên một gánh nặng, vượt bản thân sẽ gian khổ, thế chúng ta có nên vứt bỏ sự tiến thủ hay không?
Câu trả lời là không! Bạn hãy xem sự thay đổi của bốn mùa, cho dù mùa xuân năm nay có đẹp thế nào đi nữa thì mùa xuân năm sau vẫn cứ đến, bạn hãy nhìn sông, biển, đất, núi; núi cao biến thành đất bằng, biển cả mọc lên núi cao. Sự vật nào vì tận thiện mà không còn biến đổi? Mảnh đất nào bằng phẳng mãi mà sẽ không nhô lên?
Cuộc sống là một sự theo đuổi, tiếp tục; cuộc sống là một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ, cho dù một khắc sau chạy không bằng một khắc trước, chúng ta vẫn phải cố gắng hết sức lực của mình, chạy cho hết lộ trình để trao gậy cho người khác. Ðã như vậy, chúng ta không cần phải vì sợ sự mất đi của một khắc sau mà sợ nắm lấy một khắc này; chúng ta không nên vì sự thất bại sau thành công lâu dài mà u ám ủ ê; chúng ta không cần vì bản thân không còn trẻ nữa mà cảm khái than thở, vì rốt cuộc tuổi trẻ đã qua, thắng lợi đã qua, rốt cuộc chúng ta đã từng chiếm hữu một khắc trong lịch sử rồi!
Bạn hãy nghĩ thử xem…
– Sau khi Fred Astaire – nam diễn viên lừng danh thế giới – thử vai lần đầu tiên vào năm 1933, ghi chú của vị điều hành cuộc thi của MGM về ông là ” Không biết diễn! Hơi nhàm chán! Biết nhảy một chút! “. Astaire lưu giữ tờ giấy ngay phía trên lò sưởi nhà mình tại Bevery Hills.
– Socrates – triết gia nổi tiếng – đã từng bị gọi là ” Kẻ vô đạo đức, người làm hỏng thế hệ trẻ “.
– Khi Peter J. Daniel học lớp 4, cô giáo của anh, bà Phillips vẫn thường nói: ” Peter, em không tốt, em chẳng làm được cái gì cả và em sẽ chẳng đạt được điều gì cả“. Và sự thật là Peter vẫn dốt đặc và mù chữ cho đến năm 26 tuổi. Một người bạn thức với anh một đêm và đọc cho anh nghe cuốn sách ” Suy nghĩ và làm giàu“. Bây giờ, anh làm chủ khu phố hồi xưa anh lớn lên và đã xuất bản cuốn sách ” Bà Phillips, bà đã lầm! “.
– Louisa May Alcott, tác giả cuốn ” Những người đàn bà nhỏ ” (Little Women), đã được gia đình khuyên nên đi làm hầu gái hay thợ may.
– Beethoven – nhạc sĩ tài ba của thế giới – chơi rất dở đàn violin, và thay vì phải tập luyện liên tục, ông đã chơi những bản nhạc tự mình sáng tác. Thầy giáo của ông nói rằng, ông không có cơ hội để trở thành nhà soạn nhạc.
– Cha mẹ của ca sĩ opera nổi tiếng Enrico Caruso muốn anh trở thành kỹ sư. Còn thầy giáo của anh nói anh hoàn toàn không có giọng và không biết hát.
– Khi Charles Darwin, cha đẻ thuyết Tiến hóa, bỏ học Y khoa thì cha ông nói với ông: ” Mày chẳng làm được gì ngoài việc bắn, bắt chuột và nuôi bọn chó của mày“. Trong hồi ký của mình, Darwin viết: ” Tất cả các giáo viên và cả cha tôi đều coi tôi là một cậu bé bình thường với trí tuệ chưa đạt mức trung bình “.
– Walt Disney bị đá ra khỏi tòa soạn báo vì thiếu sức sáng tạo. Và trước khi tạo ra Disneyland, ông đã bị phá sản vài lần.
– Các giáo viên của Thomas Edison khẳng định rằng, ông quá ngu dốt để có thể học điều gì.
– Albert Einstein cho tới 4 tuổi vẫn chưa biết nói và đến 7 tuổi vẫn chưa biết đọc. Giáo viên mô tả ông như là một đứa trẻ ” chưa phát triển đầy đủ về trí tuệ, không hòa hợp, lúc nào cũng trên mây với những giấc mơ ngu đần “. Ông bị đuổi khỏi trường và ĐH Bách khoa Zurich không chịu nhận ông vào học.
– Louis Pasteur chỉ là một SV bình thường trong trường ĐH, và trong môn Hóa, ông chỉ đứng thứ 15 trên tổng số 22 SV.
– Isaac Newton học tiểu học rất kém.
– Cha của nhà điêu khắc nổi tiếng Rodin thì khẳng định ” Tôi có đứa con trai ngu đần “. Rodin nổi tiếng là đứa học trò kém nhất trong trường. Ba lần thi rớt vào trường Mỹ thuật. Chú của ông coi ông là “một đứa mất dạy”.
– Leo Tolstoy – tác giả ” Chiến tranh và Hòa Bình“, bị đuổi khỏi trường ĐH với lý do ông thiếu ” khả năng và ý chí muốn học “.
– Tennessee Williams, tác giả nhiều kịch bản sân khấu nổi tiếng, đã rất nổi giận trong thời kỳ còn đi học ĐH Washington, khi mà một vở kịch của ông bị rớt cuộc thi giữa các SV cùng năm học. Một giáo viên của ông nhớ lại rằng, ông đã phê phán công khai quan điểm của ban giám khảo và trí thông minh của họ.
– Trước khi Henry Ford thành công, ông đã 5 lần thất bại và trắng tay.
– Winston Churchill bị rớt lớp 6. Mãi đến năm 62 tuổi, ông mới trở thành Thủ tướng nước Anh sau nhiều va vấp, thất bại. Và ông là một trong những vị Thủ tướng được trọng vọng và nổi tiếng nhất trên thế giới. Những thành công của ông chỉ đến khi đã trở thành người “đứng tuổi”.
– Richard Hooker làm việc 7 năm để viết cuốn tiểu thuyết hài hước “M.A.S.H.” để sau đó bị 21 nhà xuất bản từ chối in. Cuối cùng thì nhà xuất bản Morrow chịu in. Cuốn tiểu thuyết trở thành một “bestseller” (sách bán chạy nhất), được dựng thành một phim nhựa tuyệt vời và cả một bộ phim truyền hình rất thành công.
Đấy, bạn hãy thử nghĩ xem, những con người nổi tiếng ấy đã từng là những kẻ như thế nào trong suy nghĩ của những người bình thường. Rất tệ và rất sai lầm, đúng không nào? Nếu họ không đủ tự tin với tài năng của mình, nếu họ không đủ dũng khí để bước qua những lời nói cay độc, nếu họ không có đủ sự nhẫn nại và kiên trì để vượt qua những khó khăn trước mắt, nếu họ cam lòng khuất phục những sự an bài đã được vạch sẵn thì liệu giờ đây, tên tuổi của họ có được chúng ta nhắc đến với sự kính trọng dành cho những bậc vĩ nhân không? Không bao giờ! Họ biết rõ mình là ai và đã dùng tất cả niềm tin và khả năng của bản thân để phủ định tất cả những ai lên án mình. Một sự trả thù ngọt ngào, một cách biện minh hoàn hảo…
Họ có mang đến cho bạn những lời giảng nào chưa?
Và tôi xin kết thúc bài việt này bằng một câu rất nổi tiếng : “Ở đâu có ý chí ở đó có con đường”.Bạn hãy biến ý chí của mình thành con đường của bạn.